Hà Nội là một trong những thủ đô lâu đời nhất trên thế giới. Hà Nội là bộ mặt kỷ nguyên văn minh Việt Nam, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước.
Theo chính sử nước nhà, mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên Kinh thành là Thăng Long, nay là Hà Nội. Từ đó đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự thăng trầm của lịch sử.
Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhưng thực dân Pháp được sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945) và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm diễn ra vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.
Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, gan dạ của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954 “chấn động địa cầu”, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng uỷ tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở vừa đấu tranh bảo vệ tổ chức cơ sở, vừa đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phủ Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.
Màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra sáng 6/10/2024 tại Hà Nội.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Uỷ ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Uỷ ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản Thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, với lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Tiếp theo, trong 10 năm (1954-1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo. Ở vùng ngoại thành, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi sản xuất và tham gia vào các tổ đổi công và hợp tác xã. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh. Các khu công nghiệp mới ra đời, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Nhiều công trình thuỷ lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều bệnh viện mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống nhân dân Thủ đô từng bước được cải thiện.
Nhân dân Hà Nội đi đầu trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Phong trào “Ngày thứ Bẩy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc” do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa” được các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên Thủ đô đã dấy lên phong trào “Ba sẵn sàng”; phụ nữ Thủ đô dấy lên phong trào “Ba đảm đang” và đã nhanh chóng lan ra trở thành phong trào chung của cả nước.
Ngày 29/6/1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội là một trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Sự đóng góp to lớn của quân, dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới khâm phục và ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Trong những ngày cuối tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội, phụ nữ, trẻ em và người già từ nội thành sơ tán về ngoại thành, góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. (Ảnh: TTXVN)
Sau 21 năm tiến hành chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, vừa ra khỏi chiến tranh, lại phải đương đầu với những khó khăn, thử thách mới rất gay gắt, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Các thế lực thù địch ra sức tìm cách thấy chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, kể cả việc dùng thủ đoạn bao vây cấm vận, “diễn biến hòa bình”. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mặt khác cùng cả nước trăn trở tìm tòi, từng bước tháo gỡ khó khăn để đi lên.
Trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội, tại Đại hội VI Đảng đã đề ra đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối mới của Đảng, Hà Nội đã đi đầu trong công cuộc tiến hành sự nghiệp đổi mới. Thành uỷ Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã đạt được thành tựu nổi bật. Kinh tế liên tục tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, đã cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình mới làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. Các cửa ngõ ra vào Thành phố được mở rộng và xây dựng nhiều tuyến đường mới, xây dựng một số khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, mạng lưới thông tin liên lạc được mở rộng và trang bị hiện đại. Văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ rệt. Khoa học công nghệ có bước phát triển, mở rộng việc tuyển chọn các đề tài khoa học, thu hút các tổ chức, cá nhân khoa học tham gia. Y tế và công tác xã hội bảo đảm chăm sóc tốt sức khoẻ ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. Văn hóa và thể dục - thể thao luôn được Thành phố quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để phát triển. An ninh - quốc phòng được giữ vững, đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, bảo đảm hòa bình; giữ vững ổn định chính trị; nhân dân được sống trong sự yên bình. Thế trận an ninh - quốc phòng toàn dân vững chắc, đó là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển trong hòa bình, ổn định và an toàn, xứng danh là “Thành phố vì hòa bình”.
Hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Đảng bộ Thành phố đã thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác đối ngoại được mở rộng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Các hoạt động hợp tác, giao lưu về văn hóa, thể dục - thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật... giữa Thủ đô Hà Nội với các thủ đô và thành phố trên thế giới cũng diễn ra thường xuyên với nội dung phong phú, đa dạng. Hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt được kết quả đáng khích lệ, được chính quyền và nhân dân các địa phương đồng tình, trân trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương“Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
Năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Hà Tây và Hà Nội đã tiến hành hợp nhất. Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn. Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng đầu tư, phát triển. Lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng liên tục. Ngành xây dựng không ngừng tăng trưởng. Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất tăng cao. Thu ngân sách trên địa bàn liên tục đạt và vượt dự toán. Vai trò vị trí kinh tế thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước.
Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội nhất định đảm bảo vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả để củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng bộ và chính quyền Thành phố.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn tiến bộ rõ rệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán đẹp của văn hóa Tràng An, Xứ Đoài ngày càng được phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã có những chuyển biến tích cực với nhiều nội dung hoạt động phong phú.
Hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế luôn được coi trọng. Thành phố đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội với Thủ đô các nước và các tổ chức quốc tế. Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Diện mạo Thủ đô Hà Nội sau 70 năm giải phóng.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố lãnh đạo nhân dân Thủ đô thực hiện rất có hiệu quả. Năm 2023, Hà Nội tăng trưởng 6,27% (trong khi GDP cả nước tăng 5,05%). Thu nhập bình quân đầu người 150 triệu đồng/người/năm. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa, nhất là năm 2023 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt trên 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 381.000 tỷ đồng. Chính trị - xã hội ổn định. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, các vấn đề xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng - an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có những mô hình mới, có nhiều cách làm hay; quyết liệt sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đến cuối năm 2023, Thành phố có 18/18 huyện và 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô trong bối cảnh Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII vừa họp xác định Đại hội XIV của Đảng là Đại hội đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và bàn các biện pháp tăng tốc về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó cũng là thời cơ để Đảng bộ Thành phố Hà Nội lãnh đạo quân và dân Thủ đô nỗ lực phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, phát triển hài hoà, văn minh và hiện đại./.
TS. BÙI THẾ ĐỨC
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương;
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Tác giả bài viết: Nguồn: tuyengiao.vn