Nâng cao chất lượng công tác nắm bắt dư luận xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

Thứ sáu - 04/10/2024 13:42 16 0
Công tác tư tưởng và dư luận xã hội (DLXH) có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng niềm tin, tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Việc đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác nắm bắt DLXH trong tình hình mới có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo vệ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong tình hình hiện nay.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, hội viên, phụ nữ ở tỉnh Đồng Tháp, ngày 3-7-2024.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, hội viên, phụ nữ ở tỉnh Đồng Tháp, ngày 3-7-2024.

Công tác nắm bắt dư luận xã hội và mối liên hệ biện chứng với hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Công tác nắm bắt dư luận xã hội (DLXH) đóng vai trò quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần thiết yếu vào công tác lãnh đạo và nhiệm vụ tuyên giáo. DLXH - một phần của ý thức xã hội, là hình thức phản ánh xã hội đã tồn tại và phát triển cùng với lịch sử xã hội loài người, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội.

DLXH có thể được hiểu là tổng hợp các luồng ý kiến cá nhân về các vấn đề, sự kiện và hiện tượng có tính thời sự, liên quan đến lợi ích và mối quan tâm của công chúng. DLXH không chỉ là sự cộng gộp của các ý kiến cá nhân mà còn là kết quả của quá trình tương tác và trao đổi ý kiến giữa nhiều người, từ đó hình thành các luồng ý kiến chung của một nhóm đông đảo.

Là phương thức thể hiện tâm tư, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, DLXH có thể tác động mạnh mẽ đến công tác lãnh đạo và quản lý xã hội. DLXH không chỉ giúp dự báo các tình huống có thể xảy ra mà còn thúc đẩy dân chủ, hỗ trợ các nhà lãnh đạo trong việc hoàn thiện các chính sách quản lý xã hội. Dư luận tích cực sẽ tăng cường sức mạnh tinh thần và tạo sự đồng thuận trong xã hội, trong khi dư luận tiêu cực có thể làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và gây phân rã trong xã hội.

Như vậy, nắm bắt DLXH được hiểu là các hoạt động thu thập và phân tích tâm trạng, tình cảm, ý chí, và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và quốc tế, đặc biệt là liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu là thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, và điều hành của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương một cách kịp thời, trung thực và chính xác.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Đảng cần có chủ nghĩa làm cốt, và tất cả các thành viên phải hiểu và theo đuổi chủ nghĩa ấy, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Đảng ta đã khẳng định “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động".(1) Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định việc kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, và tại Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh việc vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư tưởng, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng. Người nhấn mạnh rằng công tác lãnh đạo tư tưởng là then chốt, bởi khi cả Đảng và xã hội đều có tư tưởng thống nhất thì: “hành động sẽ thống nhất và nhiệm vụ sẽ đạt được thành công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng việc giữ chặt mối liên hệ với nhân dân và lắng nghe ý kiến của họ là nền tảng của sự thắng lợi của Đảng.

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và ý chí của nhân dân, coi đây là công việc quan trọng để xây dựng các chủ trương, đường lối cách mạng phù hợp với lòng dân. Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã khẳng định việc “chú trọng nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt DLXH là một trong những nội dung giải pháp quan trọng đối với công tác tư tưởng.”(2) Thông báo số 274-TB/TW ngày 29-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã nhấn mạnh rằng việc nắm bắt DLXH là “nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước có căn cứ khoa học để ban hành chính sách.”(3)

Kết luận số 100-KL/TW ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH đã nhấn mạnh rằng công tác này nhằm “tập hợp kịp thời và sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí và nguyện vọng của nhân dân về các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, đặc biệt là đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước.”(4) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra nhiệm vụ đối với công tác tư tưởng là “nắm chắc, dự báo đúng và định hướng chính xác các vấn đề trong tư tưởng của Đảng và xã hội.”(5)

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã cụ thể hóa chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII, nhấn mạnh việc “chú trọng nắm bắt, định hướng DLXH và nâng cao chất lượng công tác này.”(6) Các quy định trong Luật Báo chí (2016) và Luật An ninh mạng (2018) đã thể chế hóa việc định hướng DLXH trên báo chí và không gian mạng xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của công tác DLXH trong hoạt động quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước.

Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW về việc “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.” Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu rõ ràng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bao gồm “củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, duy trì sự đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, và góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.”

Trong bối cảnh hiện nay, công tác nắm bắt và định hướng DLXH là biện pháp quan trọng giúp phát hiện kịp thời những vấn đề nổi cộm và bất ổn trong xã hội, đồng thời định hướng dư luận và công chúng theo hướng thống nhất và ổn định. Kết quả của công tác này không chỉ hỗ trợ các nhà lãnh đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ mà còn mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” và thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn mới.

Thực tiễn công tác nắm bắt dư luận xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong thời gian qua, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc nắm bắt diễn biến DLXH của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã được nâng cao. Sự quan tâm và chú trọng đối với công tác này trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng rõ nét. Công tác nắm bắt DLXH hiện được xem là một nhiệm vụ thường xuyên của toàn hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên. Nhiều đơn vị đã chủ động triển khai và thực hiện công tác này một cách đồng bộ. Một số tỉnh và thành phố đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch điều tra và nắm bắt DLXH, đồng thời đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền và nghiên cứu tình hình tư tưởng, định hướng DLXH, gắn liền với đổi mới chỉ đạo và điều hành của cấp ủy và chính quyền địa phương. Các tỉnh, thành phố cũng đã phân công cán bộ phụ trách công tác DLXH, xây dựng mạng lưới báo cáo viên và cộng tác viên có năng lực, tâm huyết, và lập trường vững vàng. Đồng thời, các đơn vị đã xây dựng quy chế hoạt động cho mạng lưới này. Nhiều đơn vị đã thực hiện các hoạt động cụ thể và hiệu quả trong việc nắm bắt DLXH như tổ chức khảo sát, đánh giá theo Kết luận 100-KL/TW(7); tổ chức các cuộc họp giao ban hằng tuần, tháng(8); xây dựng báo cáo tổng hợp DLXH định kỳ hằng tuần(9); thực hiện điều tra DLXH qua bảng hỏi, hộp thư điện tử và phiếu báo cáo hằng tháng.

Công tác nắm bắt DLXH của hệ thống tuyên giáo các cấp đang dần được triển khai một cách khoa học và bài bản, bám sát các nhiệm vụ và định hướng chỉ đạo. Các cuộc điều tra thăm dò DLXH của Viện DLXH, ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, cùng các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện hằng năm, đặc biệt chú trọng vào các nội dung như thực hiện các đề án, chương trình, quyết sách lớn, nghị quyết các kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Qua đó, việc đánh giá diễn biến thái độ, tâm tư, tình cảm, và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân được thực hiện.

Việc thu thập ý kiến của các tầng lớp nhân dân vào các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được tiến hành thường xuyên, như lấy ý kiến vào văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, dự thảo luật, các đề án, và chiến lược. Các hoạt động này không chỉ đảm bảo nguyên tắc dân chủ mà còn là kênh quan trọng để nắm bắt tình hình DLXH, tư tưởng, nguyện vọng và mong muốn của các nhóm xã hội, cũng như để so sánh sự khác biệt ý kiến giữa các tầng lớp, nhóm, giới, và thời điểm khác nhau. Dựa trên đó, có thể phân tích và nghiên cứu xu hướng biến đổi trong tư tưởng, nhận thức, niềm tin, và thái độ của nhân dân. Ví dụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thu thập gần 1,2 triệu ý kiến của cán bộ, hội viên, và phụ nữ về dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tổ chức nhiều hoạt động để lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 37.000 lượt tham gia khảo sát, 82% là nữ giới và 18% là nam giới, cùng với việc tổ chức hơn 26.000 hội nghị, hội thảo với trên 2.3 triệu lượt ý kiến góp ý từ tổ chức và cá nhân.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành môi trường thông tin sôi động với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng mạng lưới nắm bắt thông tin DLXH ở cấp tổ dân phố, thôn, làng đã được nhiều tỉnh, thành triển khai. Các đơn vị đã thiết lập các nhóm zalo, trang fanpage trên Facebook để cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, chính xác và định hướng thông tin cho người dân hiểu rõ và đầy đủ về các chủ trương và quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Nhiều địa phương đã áp dụng các mô hình kết nối thông tin qua zalo như “Zalo - kết nối thông tin trong hệ thống Hội”, “Zalo kết nối thông tin với phụ nữ tôn giáo”, và “Kết nối Zalo, nắm bắt kịp thời”(10). Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân, từ đó huy động sức mạnh nhân dân trong việc phản bác các luận điệu sai trái trên các phương tiện truyền thông xã hội. Một số đơn vị đã ứng dụng công nghệ và thiết lập phần mềm giúp theo dõi, nắm bắt và tổng hợp tình hình, thông tin DLXH trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách kịp thời và thuận lợi. Các vấn đề nóng, bức xúc từ DLXH được thống kê, tổng hợp và đề xuất các biện pháp kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc và ổn định tư tưởng, củng cố niềm tin cho nhân dân.

Đặc biệt, việc định hướng DLXH trên nền tảng số thời gian qua đã được các cơ quan chức năng và địa phương đẩy mạnh thông qua việc chủ động lan tỏa thông tin tích cực và tăng cường đăng tải thông tin chính thống. Nghị quyết số 35-NQ/TW nhấn mạnh: “Gắn kết chặt chẽ giữa ‘xây’ và ‘chống’, ‘xây’ là cơ bản, ‘chống’ phải quyết liệt và hiệu quả. Kết hợp giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài”. Nghị quyết nêu rõ: “Chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên in-tơ-nét và mạng xã hội”(11). Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, Đảng không chỉ nhấn mạnh việc chủ động ngăn chặn và xử lý thông tin tiêu cực, phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái và thù địch mà còn đặc biệt coi trọng việc chủ động tăng cường thông tin tích cực. Đây chính là sự khẳng định quan điểm kết hợp giữa “xây” và “chống”, giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”, trong đó lấy “xây” và “bảo vệ” là chính và cơ bản. Có thể thấy nhiều tin bài, clip, hình ảnh, ấn phẩm truyền thông tích cực về các tấm gương tiêu biểu, người tốt việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng số. Tiêu biểu như chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi ngày một câu chuyện đẹp” trên Báo Tuổi Trẻ Online của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh, trang website “Hương sen Việt” truyền tải thông tin tích cực, chính xác và nhanh chóng; các triển lãm trực tuyến như triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển lãm “Giữ yên biên thuỳ”, triển lãm sách kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, trên mạng xã hội, người dân đã quan tâm theo dõi các sự kiện và chương trình Lễ kỷ niệm, bao gồm các bài đăng, đoạn clip của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, và cán bộ về các hoạt động kỷ niệm, góp phần tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa thông điệp tích cực và khẳng định vai trò của công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại số.

Bên cạnh đó, nhiều bài viết chính luận sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học đã giúp định hướng và tăng cường vai trò và trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Một số ứng dụng công nghệ thông tin cũng đã được các cơ quan thí điểm và sử dụng nhằm nắm bắt, lưu trữ, tìm kiếm, thu thập và phân tích dữ liệu thôn tin trên mạng xa hội giúp nắm bắt nhu cầu, sự quan tâm, dự đoán của những người sử dụng mạng xã hội như big data (dữ liệu lớn), reputa (hệ thống lắng nghe hỗ trợ giám sát danh tiếng và thông tin trực tuyến)…

Việc thực hiện các nghị quyết và quy định của Đảng, Nhà nước, và các cơ quan chức năng về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua nắm bắt DLXH đang được triển khai tích cực, đồng bộ và có hiệu quả. Công tác này không chỉ đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời cho các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, mà còn là cơ sở để đánh giá đúng tình hình, tâm tư, và nguyện vọng của nhân dân, từ đó đưa ra các quyết định, chủ trương, và giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả nắm bắt dư luận xã hội góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp và nhanh chóng, tác động sâu rộng đến công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đang dẫn đến những thay đổi căn bản trên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một lượng thông tin đa dạng và phong phú, vừa là thuận lợi cho việc tiếp cận, nhưng cũng đồng thời làm gia tăng hiện tượng nhiễu loạn và ô nhiễm thông tin.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng gây ra sự chênh lệch và phân hóa ngày càng gia tăng giữa các tầng lớp trong xã hội. Các thế lực thù địch lợi dụng các nền tảng mạng xã hội và các kênh thông tin cá nhân để lan truyền thông tin sai lệch, bóp méo sự thật và gieo rắc sự hoài nghi, gây hoang mang và làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tình trạng này đã dẫn đến việc một số cán bộ và đảng viên không giữ vững lập trường tư tưởng, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, để lại nhiều bài học đau xót từ các vụ việc được xử lý. Điều này đã làm giảm sút tính chiến đấu và hiệu quả của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trước những thách thức mới từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, việc nắm bắt DLXH để nhận diện sớm và từ xa diễn biến tư tưởng, cũng như các ý kiến và thái độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các vấn đề chiến lược trong phát triển đất nước là rất cần thiết. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác DLXH; xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

Tăng cường phổ biến, nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền các định hướng và chỉ đạo của Đảng về công tác DLXH theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Kết luận số 100-KL/TW ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư khóa XI. Mục tiêu là nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo, cán bộ và đảng viên về vai trò của DLXH.

Các cấp ủy và chính quyền địa phương cần xác định công tác DLXH là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tuyên giáo. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các chi bộ, đảng bộ và cán bộ, đảng viên trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản, quy chế, quy định để tạo cơ chế thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác DLXH.

Hai là, đa dạng hóa hình thức nắm bắt thông tin DLXH theo nhiều chiều hướng và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao độ chính xác, khoa học và kịp thời của công tác này.

Cần kết hợp các hình thức nắm bắt DLXH trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo thông tin được thu thập nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, củng cố và tăng cường hiệu quả mạng lưới nắm bắt và phản ánh thông tin DLXH từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là tại cấp cơ sở.

Trong thời đại công nghệ số, cần ứng dụng các phần mềm công nghệ hỗ trợ sàng lọc, thăm dò và phân tích thông tin DLXH một cách cập nhật và nhanh chóng, sử dụng các công cụ như phần mềm reputa, big data…

Tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thắc mắc của các tầng lớp nhân dân, từ đó có phương án giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, không để chúng kéo dài và trở thành điểm nóng.

Tăng cường nắm bắt DLXH trên không gian mạng và quan tâm đến DLXH của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Phát huy vai trò của các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội trong việc đăng tải thông tin chính thống để hỗ trợ định hướng dư luận. Kịp thời phát hiện và phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ba là, phát huy vai trò dẫn dắt và định hướng thông tin của các cơ quan báo chí và truyền thông để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị làm công tác DLXH trong hệ thống tuyên giáo nhằm tăng cường hiệu quả công tác nắm bắt DLXH.

Cải thiện chất lượng nội dung các chương trình, chuyên trang và chuyên mục về thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng những định hướng lớn và đột phá trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Phát huy hơn nữa thế mạnh của báo chí điện tử, xây dựng các trang thông tin điện tử của các ngành và địa phương với chất lượng nội dung và hình thức cao, nhằm trở thành loại hình truyền thông chính thống, hiện đại.

Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho mạng lưới báo cáo viên và cộng tác viên để đáp ứng yêu cầu của công tác DLXH trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên DLXH tại cơ sở nhằm bám sát và xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm và điểm nóng.

Đẩy mạnh việc đăng tải thông tin chính thống về đường lối, chủ trương và quyết sách của Đảng và Nhà nước trên các trang báo chính thống; phát huy vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc ứng phó với thông tin giả mạo.

Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong xây dựng, ban hành và thực thi chính sách.

Xây dựng các bộ công cụ hỗ trợ nắm bắt DLXH theo từng nhóm đối tượng như phụ nữ, thanh niên, nông dân… nhằm nắm bắt thông tin từ các tầng lớp nhân dân một cách đồng bộ và hiệu quả.

Định hướng và giáo dục tư tưởng chính trị, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên; nâng cao ý thức và trách nhiệm trong từng sản phẩm tin, bài, phóng sự, chuyên trang và chuyên mục, tránh để xảy ra sai sót bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt chống phá.
 

Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Thị Hải Bình (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

-----------------------------------------------

 Tài liệu tham khảo

(1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Nxb. Sự Thật, Hà Nội, tr. 21

(2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2007), Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới .

https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-16-nqtw-ngay-0182007-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-ve-cong-tac-tu-tuong-ly-luan-va-bao-chi-3782

(3) Ban Bí thư Trung ương Đảng (2009), Thông báo số 274-TB/TW ngày 29-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đề án tăng cường năng lực điều tra xã hội học, nắm bắt DLXH”

(4), (6) Ban Bí thư Trung ương Đảng (2014), Kết luận số 100-KL/TW ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH”.

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 109, 181

(7) Viện DLXH (2024), Dự thảo báo cáo tại tọa đàm góp ý Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW.

(8) Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hội LHPN TP Hà Nội.

(9) Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

(10) Hội LHPN Tỉnh Hậu Giang.

(11) Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

 

Tác giả bài viết: Nguồn: xaydungdang.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay373
  • Tháng hiện tại1,614
  • Tổng lượt truy cập615,051
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây